Sử dụng tay và gậy nặn mụn là cách hiệu quả để lấy mụn ra khỏi da phổ biến nhất.
Tuy nhiên, bạn cần phải nặn mụn đúng cách nếu không sẽ để lại sẹo, thâm trên da – đây cũng là tình trạng phổ biến của nhiều bạn khi tự ý nặn mụn tại nhà.
Trong bài viết này mình sẽ hướng dẫn bạn cách lấy mụn bằng gậy nặn mụn đúng cách ngay tại nhà để giảm thâm, sẹo cho da.
(Trong bài này mình có tham khảo từ video của chị Mai Vân Trang, thấy khá hay nên mình để ở đây cho những ai thích xem ở dạng video)
Những loại mụn nào có thể nặn?
Trước khi tìm hiểu về cách nặn mụn bằng cây nặn mụn, bạn cần xác định rõ những loại mụn nào có thể nặn. Khi bạn nặn mụn đúng cách có thể lấy triệt để nhân mụn, thúc đẩy quá trình điều trị mụn được nhanh chóng hơn.
Tuy nhiên, nếu nặn mụn không đúng cách thường sẽ để lại các hậu quả như: nặn không hết chân, nhiễm khuẩn, để lại sẹo thâm, khiến tình trạng mụn trên da ngày càng nặng hơn và gây tổn thương đến lỗ chân lông.
Một số loại mụn có thể nặn được như: mụn trứng cá, mụn đầu đen, mụn đầu trắng, mụn bọc,…
Gợi ý: Hãy nặn mụn khi mụn đã già, cồi mụn khô cứng lại, mụn ở thể nhẹ, có kích thước nhỏ, mọc riêng rẽ. Ở bài viết làm sao thoát khỏi sẹo mình đã có nhắc tới việc không được phép nặn mụn sớm vì dễ gây ra sẹo rỗ.
Nếu bạn có thói quen nặn mụn bằng tay không, hãy bỏ ngay đi nhé! Thay vào đó, hãy sử dụng cây nặn mụn vì đây là cách nặn mụn an toàn.
Bạn có thể thực hiện các bước nặn mụn với cây nặn mụn tại nhà mà không quá cần thiết phải đến spa hay bệnh viện da liễu. Thiết kế của cây nặn mụn thường có 1 đầu kim nhọn để chích vào đầu mụn và 1 đầu tròn để đẩy chân mụn lên.
Cách nặn mụn bằng cây nặn mụn an toàn, hiệu quả
Cách nặn mụn bằng cây nặn mụn không quá phức tạp nhưng nếu không tuân thủ đúng quy trình thì có thể phí công vô ích, thậm chí phản tác dụng.
Dưới đây là toàn bộ quy trình hướng dẫn cách nặn mụn bằng cây nặn mụn an toàn nhất mà mình đã tìm hiểu được, các bạn hãy tham khảo nhé.
Bước 1: Vệ sinh sạch sẽ tay của bạn
Thông thường thì thời gian buổi tối là lúc bạn được nghỉ ngơi và ít ra ngoài, hạn chế tiếp xúc với bụi bẩn. Lúc này, bạn nên thực hiện kế hoạch nặn mụn nhé!
Bạn dùng xà phòng rửa tay diệt khuẩn để chà xát kỹ 2 bàn tay, các khe ngón tay và móng tay trong tối thiểu 10 giây. Hoặc có thể thay xà phòng bằng dung dịch cồn làm sạch tay. Sau khi rửa tay, lấy khăn sạch để lau khô cả 2 tay.
Bước 2: Làm sạch da, tẩy da chết nhẹ, xông hơi da mặt làm giãn lỗ chân lông
Sau khi rửa sạch tay, bạn sẽ cần làm sạch bề mặt da một cách nhẹ nhàng. Có thể sử dụng sản phẩm tẩy tế bào chết tẩy nhẹ nhàng cho da (nên dùng tẩy tế bào chết hóa học).
Tiếp theo sẽ là bước làm giãn nở lỗ chân lông sẽ giúp bạn lấy mụn dễ dàng và bớt đau hơn. Bạn cần xông hơi da mặt với nước ấm hoặc nước trà xanh trong khoảng 5 – 10 phút để lỗ chân lông nở to.
Lưu ý, không nên dùng nước quá nóng sẽ khiến da mặt dễ bị bỏng hoặc nứt nẻ.
Bước 3: Vệ sinh cây nặn mụn
Cây nặn mụn dù được bảo quản trong hộp kỹ càng thì cũng có thể bị nhiễm khuẩn nên bạn cũng phải vệ sinh nhé. Cây nặn mụn sau khi rửa sạch cần được khử khuẩn bằng cồn y tế hoặc nước muối sinh lý.
Cồn và nước muối nên mua tại hiệu thuốc hoặc trung tâm y tế uy tín để tránh dùng hàng giả, không đảm bảo tiêu chuẩn. Lau khô cây nặn mụn bằng khăn lông mềm để chuẩn bị vào bước chính nào.
Đối với các loại mụn nhẹ nếu có thể lấy ra dễ dàng thì bạn nên dùng tâm bông có tẩm cồn để lấy ra, chỉ thực sự dùng cây nặn mụn đối với các em mụn khá to hoặc cứng đầu hơn thôi nhé.
Bước 4: Tiến hành nặn mụn trên da
Thời gian nặn mụn tốt nhất cho da là vào buổi tối nhé, nếu bạn có ý định nặn mụn thì nên chuẩn bị thời gian vào buổi tối.
Bạn phải dùng cây nặn mụn ấn nhẹ nhàng để mụn trồi lên khỏi bề mặt da và dùng tăm bông mềm lau loại bỏ phần nhân mụn. Nếu vẫn nhìn thấy nhân mụn chưa ra hết, bạn ấn thêm một lần nữa để đảm bảo có thể loại bỏ hoàn toàn nhân mụn, tránh mụn lại phát triển tiếp.
Tùy thuộc vào mỗi vị trí mụn khác nhau, bạn nên áp dụng các cách nặn mụn như:
- Mụn ở 2 bên gò má, cằm và trán, thái dương: Ở những vùng da này thì thường không xuất hiện mụn đầu đen mà là mụn đầu trắng và mụn trứng cá. Trước hết, bạn cần kéo căng vùng da trán và má, sau đó dùng cây nặn mụn ấn xuống để đầu mụn trồi ra. Với những nốt mụn cứng đầu, bạn có thể dùng đầu kim nhọn của cây nặn mụn để chích vào nhân mụn để đẩy mụn ra dễ dàng hơn.
- Mụn ở mũi: Đầu mũi và 2 cánh mũi là những tụ điểm xuất hiện nhiều mụn, đặc biệt là mụn đầu đen và mụn cám. Bạn có thể nghiêng cây nặn mụn theo hướng chếch xuống và nghiêng vào phía trong giúp hạn chế tổn thương làn da và nặn mụn dễ dàng hơn. Mụn đầu đen thường dễ nặn hơn mụn cám, mụn đầu trắng và mụn trứng cá.
Bước 5: Cách chăm sóc làn da sau nặn mụn
Sau khi nặn mụn xong đừng cố gắn skincare hay thoa gì lên da nhiều, vì lúc này da tổn thương nặng và cần được chăm sóc tối giản nhất có thể. Bạn có thể sử dụng nước muối sinh lý để làm sạch cho da và chườm đá lạnh để giảm sưng cho da là được.
Trước khi đi ngủ, hãy dùng miếng dán mụn lên vùng da vừa nặn mụn để hút sạch các vết mủ, nước dịch của nhân mụn còn tồn lại dưới da để giảm thâm.
Vào ban ngày, khi phải ra ngoài hãy thoa/xịt kem chống nắng để ngăn tia UV gây thâm sạm vùng nặn mụn và bảo vệ cả những vùng da khác.
Sau mỗi lần nặn mụn, bạn hãy sát khuẩn cây nặn mụn, vệ sinh sạch sẽ và cất gọn gàng để sử dụng cho lần sau! Hơn nữa, bạn cũng phải chú trọng tới chế độ sinh hoạt, ăn uống điều độ để đảm bảo làn da được khỏe mạnh từ bên trong, ngăn mụn phát triển.
Cách xử lý da bị chảy máu khi dùng cây nặn mụn
Trong một vài trường hợp, có thể do chưa quen dùng cây nặn mụn hay lỡ chích vào nhân mụn quá sâu sẽ khiến da bị chảy máu.
Lúc này đừng quá lo lắng, hãy bình tĩnh và lấy bông y tế hoặc băng gạc vô trùng để thấm máu, tránh để máu loang ra các vùng da xung quanh gây nhiễm trùng da.
Máu có thể sẽ chảy trong vài giây hoặc lâu hơn nên bạn hãy kiên nhẫn giữ chặt bông băng đến khi máu ngừng chảy hẳn.
Cho dù cách nặn mụn bằng cây nặn mụn có vẻ không quá khó khăn, bạn cũng không nên lạm dụng nó. Tình trạng mụn mãn tính, nặng nề mà nặn mụn quá thường xuyên sẽ gây tổn thương nghiêm trọng cho da.
Bên cạnh đó, các dụng cụ nặn mụn cũng không được đảm bảo trong điều kiện vô trùng dẫn đến nhiễm trùng da, gây hậu quả thành sẹo rỗ hoặc sẹo lồi sau mụn.
Vì vậy, để không phải hối hận bạn hãy đến những trung tâm da liễu hoặc spa uy tín để tìm ra nguyên nhân và được điều trị mụn kịp thời.
Kết luận
Trên đây là những chia sẻ chi tiết cho các bạn về cách nặn mụn bằng cây nặn mụn đúng quy trình nhất. Đặc biệt dành cho những bạn đang vướng phải tình trạng mụn thì hãy kiên trì thực hiện đầy đủ các bước để đạt hiệu quả tốt nhất.
Và hãy luôn nhớ rằng, thời điểm vàng cho bạn nặng mụn chính là lúc mụn đã thực sự “chín”. Đừng vì nhìn nó đáng ghét mà tiêu diệt ngay lúc “ẻm” còn vấn vương.
Chúc bạn thực hiện thành công và hãy chia sẻ với chúng tôi nếu bạn đang nắm giữ bí kíp trị mụn nào hay hơn nhé.